Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

ĐỜI TU – CÁNH CỬA HẸP VỚI CON ĐƯỜNG CHẬT

“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,13-14)

Nếu có ai hỏi chúng ta: Tại sao lại muốn đi tu? Chúng ta sẽ trả lời như thế nào. Mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình... nhưng có lẽ, nền tảng đứng sau những câu trả lời đó phải toát lên được hình ảnh của chúa Giêsu. Nói như thế, vì đời tu là lời mời gọi của Chúa, sống hành trình đời tu là ao ước trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là cùng “uống chén đắng với Chúa Giêsu” cùng “đi con đường chật Chúa Giêsu đã đi” và cùng “qua cánh cửa hẹp” như Chúa Giêsu đã qua.

Chính Chúa Giêsu đã mẫu gương hoàn hảo nhất cho chúng ta noi theo trên con đường dâng hiến. Chính Chúa Giêsu cũng chính là “gương soi” để ta nhận ra con người thật của mình, đời tu thật của mình. Không dám bàn sâu, chẳng dám nói rộng, xin được nêu lên những vấn đề để cùng nhìn nhận, cùng xem xét để cùng thăng tiến đời tu.

Thiên Chúa chúng ta đã dấn thân vào đời và làm người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6-7). Chúa xuống thế làm người để cùng “liên lụy và dính dáng” đến ta, để cho chúng ta sống đời tu toát lên hình ảnh Chúa.

Thật vậy, trong thời đại ngày nay với những tình hình xã hội như chúng ta chứng kiến, thì đời tu trong thiên niện kỉ thứ ba là phải “sống”. Sống đời tu là phải sống cuộc đời mình giữa đời thường nhưng với phong cách phi thường. Cuộc đời người Kitô hữu nói chúng và người đi theo Chúa nói riêng, là không chối bỏ, không chán ghét, nhưng là đối diện, chấp nhận những đau thương để làm thành một “hành trình tử đạo”, đó là chính là một “cuộc vượt qua” để cùng tiến tới vinh quang với Chúa.

Nhìn như thế, chúng ta sẽ thấy được rằng đời tu chẳng có gì khác ngoài những “nghịch lí” nhưng là nghịch lí của tình yêu, của yêu thương, là con đường ngược chật, là cánh cửa hẹp. Con đường chật và cánh cửa hẹp là như thế này:

Trước những phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, người ta đang chạy đua theo “sức mạnh quyền lực” thì những người đi tu lại chọn con đường chật là dấn thân để ra khỏi bản thân để sống và trở nên nhỏ bé nơi tâm hồn: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)

Xã hội ngày nay ghi đậm dấu ấn chủ nghĩa cá nhân, nơi mà người ta đang đề cao “vai trò cá nhân”, “cái gì đó là tôi...” để khẳng định mình thì những người đi tu lại chọn cánh cửa hẹp để bước qua là cho đi bản thân để yêu thương trọn vẹn: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

Trong xã hội hiện đại, con người có xu hướng thiện trọng vật chất thì những người đi tu lại chọn nẻo đường dấn thân bám sát Chúa Giêsu để “cho đi”, cho đi để biết yêu thực sự một ai đó và sống với tâm tình phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28)

Xã hội phát triển, vật chất đi lên, con người đang lao vào vòng xoáy của vật chất mà xem nhẹ giá trị đạo đức. Chính những điều đó đang phá hủy đời sống nội tâm, đời sống khiết tịnh con người. Nhìn chung, đời sống tinh thần con người ngày càng đi xuống thì những người đi tu lại chọn một lối sống theo sát Chúa Giêsu bằng cách ra khỏi bản thân để sống cho người khác, giúp người khác sống và tốt hơn: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,9-10)

Con người ngày nay thích được người khác tôn vinh, người ta đang chạy theo căn bệnh “thần tượng” thì những người đi tu lại chọn nẻo đường dấn thân theo gương Chúa Giêsu để chia sẻ và sống với thái độ khiêm nhường: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”(Mt 11,29) và trở nên nhỏ bé nơi tâm hồn: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5,8)

Thời buổi ngày nay, người ta thích cái thực, phải rờ tận tay, phải xem tận mắt. Đừng nói lí thuyết xuông nhưng hãy làm để chứng minh điều mình nói, đó là một thách đố không nhỏ trong đời tu! Nhìn vào đời tu, đối diện với lòng mình, chúng ta phải thừa nhân rằng nhiều lúc, chúng ta chỉ bước đi theo Chúa trên nền tảng lí thuyết thôi, chúng ta nhận ra bản thân còn nhiếu bất toàn nhưng chúng ta chưa thực sự cố gắng sửa đổi. Chúng ta nhiều khi chưa dám đi vào con đường chật và bước qua cánh của hẹp.

Đường sẽ dẫn người đi tới đích điểm. Cửa sẽ mở ra để ta có tầm nhìn mới, bắt gặp điều gi mới. Chính con đường chật đó sẽ dẫn ta đến với Chúa, đến với tha nhân. Chính cánh cửa hẹp đó sẽ cho ta cảm được, thấy được Chúa và tha nhân.

Đi trên con đường chật, chúng ta phải chấp nhận “đổ máu”. Bước qua cánh cửa hẹp, chúng ta phải bằng lòng “cho đi”. Chính cánh cửa hẹp và con đường chật mới dẫn ta đến sự sống tương quan đích thực với Thiên Chúa và tha nhân. Chính cánh cửa hẹp và con đường chật làm nên một đời tu đúng nghĩa là một “cuộc tử đạo” và gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trên hành trình từ vườn cây dầu đến đỉnh đồi Canvê: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,34-35)

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra chính Chúa là con đường để chúng con bước lên, giẫm lên, đạp lên để ta đến đích điểm là sự thật và sự sống. Chính Chúa là cánh cửa mở ra để chúng ta tìm và bắt gặp được mạch sống mở lòng ta, buông bỏ bản thân ra để yêu thương.

Xin cho chúng con biết noi gương, bước đi trên con đường chật và qua cánh hẹp. Xin cho chúng con nhận ra hành trình đời tu là bước theo Chúa, bước theo Chúa để chúng con biết sống đời tu là sống “hành trình tử đạo” là sống một “cuộc vượt qua” giữa đời thường.



Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

SỐNG ĐỨC TIN

Theo Chúa là hành trình. Hành trình đó là hành trình tâm linh ghi dấu đức tin. Nhưng hành trình bước đi theo Chúa không phải lúc nào cũng thuận lợi. Con đường đi đến cùng Thiên Chúa không phải lúc nào cũng đầy hoa thơm. Hành trình đó là một hành trình dài vì chúng ta phải bước đi suốt cuộc đời mình. Con đường đó là con đường chông gai đầy sỏi đá và lúc nào đó ta cũng sẽ vấp ngã và bước đi trong “đêm tối đức tin” để sống với những kiểu, cách sống đức tin giả tạo làm thành những biểu hiện của một “bệnh đức tin”
Có đời sống đức tin được xây dựng bằng thái độ chấp nhận cách thuần thành, không ý kiến, không thao thức. Đó là những lớp người đạo đức và cũng những con người bình dân, thật thà, chất phác. Những người này không thao thức một vấn đề cụ thể về đời sống đức tin để dám chất vấn đời sống đạo của mình hay cật vấn người khác. Ai nói sao, bảo gì thì bản thân làm theo thế đó. Sự chấp nhận quá dễ dãi là điều tốt nhưng cũng không kém phần nguy hại. Nguy hại vì bản thân dễ đánh mất căn tính Kitô hữu mơi mình. Sự chấp nhận quá ưa dễ dãi đó nhiều khi làm bản thân không nhận ra được: Tôi là Kitô hữu nghĩa là làm sao? Chất Kitô hữu trong người tôi như thế nào?”. Sự chấp nhận cách dễ dãi làm cho bản thân chỉ nhận ra được:“Tôi là Kitô hữu chỉ vì tôi được rửa tội từ nhỏ” hay “Tôi sinh ra trong môi trường toàn Kitô giáo mà ai cũng theo đạo nên tôi phải theo?”.
Có đời sống đức tin quy định bằng luật lệ chứ không phải là một đam mê chân chính theo các giá trị Tin Mừng. Lớp người này là đại đa số các bạn trẻ. Người trẻ ngày nay đang có khuynh hướng sống theo kiểu chạy theo những giá trị làm cho bản thân được vui thích hơn là những giá trị làm cho họ hạnh phúc thực sự. Người trẻ không muốn đặt ra một kỷ luật cho riêng mình để phấn đấu nhưng là luôn bằng lòng với những gì mình làm vì trong suy nghĩ và chọn lựa của họ, cái tôi quá lớn và họ cho rằng tôi như vậy là được rồi và đó là một đời sống đức tin rất nguy hại và không kém phần nguy hiểm cho một đời sống Đạo thực sự.
Có đời sống đức tin chỉ “nói mà không làm”, chỉ giảng dạy mà không dấm dấn thân để sống và làm chứng cho những điều bản thân giảng dạy. Đó là một thái độ giả tạo, thiếu sức sống chỉ muốn sống an nhàn, chấp nhận điều dễ dãi làm thiếu lửa dấn thân. Đại diện cho lối sống đức tin này, có lẽ, phần đông là các Tu sĩ. Chính kiểu sống đức tin đó làm cho chính bản thân không giữ được đức tin của mình, và một cách nào đó, đời sống đức tin như thế sẽ có nguy cơ tách bản thân ra khỏi Thiên Chúa và gương mù lôi kéo người khác ra xa rời Thiên Chúa.
Cũng có đời sống đức tin trọng vẻ “bề ngoài” mà thiếu tâm tình “bên trong”. Đó là thái độ sống đức tin chỉ tập trung, chú trọng đến những cái bên ngoài và không còn tha thiết, thao thức, đến nét đẹp bên trong tâm hồn nữa.
Ngoài ra, cũng vẫn còn đó đời sống đức tin theo kiu “nửa mùa” khi vui, khi thành công thì tôi là Kitô hữu. Khi buồn, đau khổ, thất bại thì tôi không sống, không tuân giữ luật Chúa dạy. Chính cung cách sống đức tin đó sẽ làm cho mọi người có cảm tưởng đạo của Chúa Giêsu là một đạo hình thức
Các kiểu sống đức tin đó rất nguy hại vì dễ làm cho người Kitô hữu dần đánh mất căn tính của mình. Tin thì cũng yêu, yêu thì phải hành động. Hành động đẹp nhất là dám ra khỏi con người mình để gieo mình, đắm mình vào những gì mình tin. Do đó, chúng ta hiểu được phần nào lời dạy của Thánh Giacôbê: Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).
Những kiểu, cách sống đức tin trên, có lẽ, xuất phát từ một cái nền đó chính là khuynh hướng tự nhiên của con người. Cái gì là khuynh hướng tự nhiên thì con người dễ chiều theo, dễ đáp ứng là làm theo. Nói theo ngôn ngữ triết học, con người khả giác thích cái gì là cụ thể. Con người là nhân vị có lí trí và ý chí tự do. Lý trí để nhận biết và ý chí tự do để hành động và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Do đó, chúng ta cần phải đặt lại đời sống đức tin nơi chính mình. Đặt lại đời sống đức tin của mình, chúng ta phải nhận ra Chúa Giêsu  là một “người anh”, “người bạn”, “người Cha”. Một người anh Giêsu rất gần gũi và chia sẻ cùng kiếp người với những lo toan cuộc sống. Một người bạn Giêsu cùng chia ngọt sẻ bùi qua những biến cố vui buồn. Một người Cha luôn luôn giang cánh tay đón nhận bất cứ đứa con nào, chỉ cần nó biết trở về với Cha của mình.
Mỗi người cần phi tự vấn lương tâm mình: “Liệu rằng tôi là người mang danh Kitô hữu, tôi tự hào là người có đức tin nhưng tôi đã là người sống đức tin thực sự chưa?”. Có lẽ, chính đời sống của mỗi người, chính tương quan sống của mỗi người với Chúa và tha nhân là câu trả lời đẹp nhất.

Trong Đức Tin....

IN FIDEI


Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

YÊU MÌNH


Tình yêu là nhu cầu căn bản của đời sống con người. Yêu và được yêu là một khao khát chân chính, một ý hướng chân thành, một đòi hỏi chân thực của đời sống con người. Bởi lẽ, làm sao con người có thể sống mà không yêu.
Nhìn vào đời sống con người, chúng ta nhận thấy con người có tình yêu, con người biết về tình yêu, con người cảm nhận được tình yêu nhưng để yêu và yêu đúng nghĩa thì không phải ai cũng làm được. Mỗi người chúng ta sinh ra là người, đảm nhận phận người để sống làm người, chúng ta mang trong mình những giới hạn. Có một thứ giới hạn căn bản trong tình yêu con người là “yêu mình”. Đó là thứ tình yêu chỉ quy về cho bản thân quên đi Thiên Chúa, bỏ quên tha nhân. Chính thái độ ích kị đó, chính thứ yêu thương đậm chất vị kỉ đó làm cho tình yêu con người hoen ố và bị giới hạn.
Giới hạn của tình yêu con người là con người chưa dám yêu thực sự. Con người cảm được tình yêu nhưng có mấy ai dám thực hành trọn vẹn hai chữ “yêu thương” trong cuộc sống và trong cuộc đời này. Yêu thương thực sự thì phải thể hiện bằng hành động, hành động đẹp nhất cho một tình yêu đúng nghĩa là chấp nhận hy sinh. Con người ngại hy sinh, vì hy sinh thì phải chịu thua thiệt, chấp nhận đau thương. Thật khó để vượt qua những giới hạn đó. Nếu chưa biết vượt qua được giới hạn đó thì tình yêu của con người chỉ là một tình yêu giả tạo.
Giới hạn của tình yêu con người là con người chưa sống yêu thực sự. Con người có tình yêu nhưng con người chỉ giới hạn tình yêu đó cho những người yêu thương mình. Đó là khuynh hướng tự nhiên mà phận người có mấy ai tránh được. Vì chưa biết yêu thực sự nên trong tương quan sống với nhau, con người luôn có sự phân biệt. Vì phân biệt nên khó chấp nhận, khó chấp nhận là khởi đầu cho sự thiếu đồng cảm, thiếu đồng cảm sẽ dẫn tới việc phá hủy tương quan sống với nhau. Do đó, con người luôn phải “đeo mặt nạ” mà chấp nhận nhau, ủng hộ nhau, khích lệ nhau bằng thái độ vuốt ve, giả dối.
Giới hạn của tình yêu con người là con người không dám bỏ mình để đi vào con đường của tình yêu chân chính. Con người hiểu được tình yêu nhưng mấy ai dám đi vào con đường của tình yêu chân chính, tình yêu thực sự:Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”(Ga 12,25). Đó là con đường của tình yêu chân chính. Đó là một tình yêu quên mình, một hành động bỏ mình, một thái độ hy sinh xâm mình. Con đường đó, tình yêu đó, chính Chúa Giêsu đã đi, đã sống, đã chấp nhận để nêu gương và mời gọi mỗi người bước theo.
Chúa Giêsu đã sống và hoàn thành đời mình trong yêu thương. Ngài mời gọi chúng ta đi vào con đường đó. Nhưng có mấy ai dám đi, dám sống, dám làm và dám yêu như Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 1,13). Có thể, chúng ta không yêu được như Chúa Giêsu đã dạy nhưng chúng ta được truyền lửa “yêu thương” từ nơi Chúa Giêsu và từ lời mời gọi “Chạnh lòng thương”.
Đạo của chúng ta là “Đạo yêu thương”, đó không phải là một khái niệm yêu thương trừu tượng, nhưng tình yêu đó có đối tượng rõ ràng“Mến Chúa và yêu người”. Mến Chúa thì dễ nhưng thương người thì khó. Vì yêu người khó hơn yêu Chúa nên Giáo Hội dạy cụ thể là yêu người như thế nào và yêu bằng cách nào. Đó là con đường thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối và thương linh hồn bảy mối. Chính yêu thương là tiêu chuẩn để đánh giá, xét định tâm tình, thái độ của người môn đệ bước theo Chúa. Cứ nhìn vào tình yêu, quan sát vào thái độ yêu thương chúng ta sẽ hiểu được tâm tình người môn đệ.
Bằng thái độ rộng mở, vui vẻ cho đi, chấp nhận hy sinh, sẵn lòng mất mát, bằng lòng thua thiệt, để chúng ta biết nhìn lên gương Chúa Giêsu mà học cách ra khỏi bản thân nhiều hơn để sống cho, sống vì người khác nhiều hơn. Có như thế, mỗi người sẽ thấm thía sống “hành trình tử đạo” là như thế nào và hiểu được thế nào là nét đẹp thực sự của hành động “Chạnh lòng thương”.
Chúng ta là những người yêu mình hơn yêu Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu về Chúa nhiều hơn, yêu Chúa nhiều hơn.
Chúng ta yêu mình hơn yêu tha nhân, lo cho mình nhiều hơn là biết lo cho tha nhân, thu về cho mình nhiều hơn là cho đi. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng biết nhận ra yêu người cũng là con đường để yêu Chúa.


Chúa Giêsu đã sống và hoàn thành đời mình trong yêu thương. Ngài mời gọi chúng ta đi vào con đường đó. Nhưng có mấy ai dám đi, dám sống, dám làm và dám yêu như Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 1,13).


Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

CÁI TÔI


Con người luôn mang trong mình một sự khao khát trở về với chính mình. Trở về với chính mình là gì nếu chẳng phải là biết và hiểu về chính bản thân mình. Biết mình là ai là một đòi hỏi tất yếu của phận làm người.
Tôi là ai? đó là câu hỏi nền tảng để xây dựng đời mình. Cái tôi làm cho con người trở thành chủ thể trách nhiệm mang trong mình tự do, nói lên giá trị nhân vị, coi trọng chủ thể tính, hình thành “thế đứng”, “cái thế” riêng của mình và chính những điều đó là khởi điểm vững chắc, nền tảng kiên cố để bản thân mỗi người xây dựng đời mình.
Tôi là ai? không chỉ mang tính biệt lập, cá nhân, phản chiếu tính nội tại mà còn đặt chính chủ thể trong tương quan với tha nhân. Qua mối tương quan đó, bản thân tôi lại càng rõ nét hơn vì trong chính cái nhìn của tha nhân sẽ phản ánh về tôi. Mối tương quan càng khăng khít, thân tình thì bản thân tôi càng dễ bộc lộ ra.
Chính đời sống của mỗi người sẽ là một định nghĩa về bản thân mình, một câu trả lời về con người mình. Tương tự như thế, chính cái tôi vẽ nên chân dung con người tôi, phản ánh phần cuộc đời tôi, một chủ thể nội tại. Qua chính đời sống, các vấn đề đặt ra trong cuộc nhân sinh này, cái tôi lại càng hiển hiện hơn và rõ nét hơn.
Thú vị thay trong cuộc đời này, cuộc sống của con người được xây dựng trên nền móng là sự tương quan. Con người không sống một mình nhưng là sống với, sống cùng người khác. Chính vì đòi hỏi tất yếu đó, nên để sống cho xứng là người thì cần phải biết điều chỉnh cái tôi. Điều chỉnh cái tôi là điều chỉnh bản thân mình, con người mình để xây dựng một tinh thần mới trong một nhận thức mới bắt nguồn từ chính sự phản ánh về con người tôi thông qua các mối tương quan. Đó là một đòi hỏi và cũng là một thách đố nơi mỗi người.
Nhưng cũng thật trớ trêu thay nơi kiếp nhân sinh này. Con người luôn luôn bị rào cản bởi những mặc cảm nơi chính mình. Những thứ đó cản bước để con người quay trở về với chính mình, ngăn bước để nhận ra con người thật của mình với cái tôi trọn vẹn của mình.
Sống trong cuộc đời, không thiếu những người để cho cái tôi của mình quá lớn, lấn át hết mọi thứ, đó quả là điều rất nguy hại và sẽ làm băng hoại hết mọi tương quan. Nếu chúng ta chấp nhận một sự dễ dãi cho bản thân, chúng ta sẽ chiều theo bản tính tự nhiên của chính mình, điều đó làm cho cái tôi của mình lớn dần. Ngày nay, xu hướng phô diễn cái tôi là một vấn nạn không nhỏ đã dẫn đến việc “khẳng định bản thân” cách quá đáng. Lấy bản thân làm tâm điểm, lấy “cái tôi” làm tiêu chuẩn để xét định và dùng tự do của mình để tự định đoạt tiêu chuẩn đó thì quả là một điều nguy hại. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong cuộc sống thường ngày khi con người quá đề cao cái tôi trong cách nhìn nhận, phán quyết một vấn đề thực tiễn. Chân lý là gì? Phải chăng là kết quả của những cuộc đối thoại được tán thành theo số đông? Đâu là tiêu chuẩn của chân lý? Thật đáng buồn! Thay vì chân lý phải được khai mở trong yêu thương, tôn trọng, lắng nghe; Đón nhận chân lý là đón nhận trong tự do thì chính cái tôi quá lớn lại là một quy định, một sự áp đặt đón nhận.
Cũng có những người nhận ra cuộc đời này là giới hạn, phận người mong manh nên đã chọn cho mình một hướng đi thanh thoát, một ý hướng đơn sơ, chân thành để sống với cái tôi khiêm nhu, nhỏ bé, vị tha. Những người này học cách kiềm chế bản thân, biết thu gọn cái tôi của mình lại. Chúng ta phải đồng ý rằng chính tôi phải hình thành nên con người tôi. Đời tôi không ai sống thay được, tôi chính là chủ thể hiện hữu. Nhưng đó không phải là tất cả hành trang cho một cuộc hành trình đời người. Nét đẹp ấy, chúng ta nhận thấy trong Kitô giáo. Vì chỉ trong Kitô giáo, chúng ta mới nhận ra một sự đảo lộn trật tự: Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,42-44) Đó là một sự hạ mình, là thu gọn cái tôi, là điều chỉnh con người mình. Soi chiếu vào hành trình đời Kitô hữu, chúng ta nhận thấy đó là con đường chân chính, đó là hành trang lên đường xây dựng đời mình và sống phận người trong tương quan với Chúa và tha nhân.

Mỗi người có một thế đứng trong cuộc đời, một sứ mạng trong con đường thiêng liêng, do đó, phải biết điều chỉnh bản thân. Điều chỉnh bản thân là cần đặt lại cuộc đời mình mà xuất phát điểm là việc xây dựng cái tôi sao cho phù hợp. Thiết nghĩ, để làm được điều đó mỗi người cần phải nhận ra và phải khám phá trong hành trình đời mình câu hỏi lớn: “Thiên Chúa dựng nên tôi với mục đích gì?”. Càng xác định được mục đích thì càng xây dựng được đời mình, cái tôi của mình càng hoàn thiện hơn.